1.Các Khu bảo tồn thiên nhiên
Đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng, thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Các hệ sinh thái (HST) là nơi cư trú, môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã và cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng đối với xã hội loài người và sự phát triển của tự nhiên.
Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) – Ảnh do VQG cung cấp
Nhằm duy trì và phát triển bền vững các giá trị của ĐDSH, Chính phủ Việt Nam đã xác định và khoanh vi bảo tồn những khu vực có giá trị ĐDSH cao, có các HST có giá trị quan trọng, nhiều loài quý, hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng thành các khu bảo tồn (KBT).
Các KBT Việt Nam bao gồm Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan. Các KBT được phân bố trên nhiều vùng địa lý, trên các vùng đại diện cho các kiểu khí hậu, đất đai khác nhau như: nhiệt đới, á nhiệt đới, vùng núi cao, vùng mưa ẩm, vùng khô hạn, vùng đồng bằng trung du và miền núi, ven biển và vùng biển, đã góp phần bảo vệ rất nhiều hệ sinh thái điển hình và các loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý và hiếm của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa – giáo dục.
Nhận thức được vai trò, giá trị của đa dạng sinh học (ĐDSH) cũng như ý nghĩa của khu bảo tồn thiên nhiên (KBT), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật và nhiều hành động ưu tiên về quy hoạch, thành lập và quản lý KBT. Với sự nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý KBT thông qua quy hoạch và thiết lập được hệ thống KBT Việt Nam với 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha.
Bảng 1. Danh sách Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam
Loại KBT | Số lượng | Tổng diện tích (ha) |
Vườn quốc gia | 34 | 1.209.147,00 |
Khu dự trữ thiên nhiên | 67 | 1.064.482,00 |
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh | 17 | 138.020,78 |
Khu bảo vệ cảnh quan | 58 | 100.881,00 |
Tổng số | 176 | 2.512.530,78 |
Việc thiết lập được các KBT đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý ĐDSH của Việt Nam, thúc đẩy công tác bảo tồn ĐDSH của nước nhà và thể hiện cam kết của quốc gia thành viên Công ước Đa dạng sinh học về chung tay với thế giới trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH của hành tinh.
2. Danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá
Danh lam thắng cảnh được xác định bao gồm các khu vực có:
- a) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu: Các di tích quốc gia đặc biệt tiêu biểu thuộc loại này như 4 danh lam thắng cảnh khu danh thắng Tây Thiên, Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, vịnh Hạ Long, động Phong Nha.
- b) Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất: Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu.
Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 4.000 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (di tích) được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh trong đó. Danh lam thắng cảnh chiếm khoảng 3.3% số di tích được xếp hạng.
3. Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được thông qua ngày 17/11/2020. Để bảo vệ tốt hơn các di sản thiên nhiên mà Việt nam được ban tặng, Bộ TNMT đang phối hợp với các bên liên quan tích cực xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó bao gồm quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.