Ngày 11/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và sáng kiến lồng ghép đa dạng sinh học trong ngành, lĩnh vực” nhằm đẩy mạnh tổ chức và thực hiện Chiến lược tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và giới thiệu về sáng kiến lồng ghép đa dạng sinh học trong ngành, lĩnh vực cụ thể là trong ngành lâm nghiệp và thuỷ sản.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ để chung tay với các quốc gia trên thế giới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 05/NQ-CP thông qua Cam kết các Lãnh đạo vì thiên nhiên được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Khóa họp lần thứ 75 vào tháng 11/2020. Bản cam kết khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu đến 2050 “Sống hài hòa với thiên nhiên” thông qua nhiều hành động ưu tiên như phát triển nền kinh tế xanh; thực hiện Khung Chiến lược đa dạng sinh học toàn cầu 2030.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng khích lệ: số lượng và diện tích các khu bảo tồn tăng lên, nhiều khu bảo tồn được công nhận có tầm quan trọng quốc tế; công tác bảo tồn các loài nguy cấp được thực hiện; công tác quản lý nguồn gen, tiếp cập nguồn gen, chia sẻ lợi ích được tăng cường.
Ngày 28/1/2022, Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030. Chiến lược cũng đặt ra 5 nhóm nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện, 6 nhóm giải pháp và 9 chương trình, đề án, dự án ưu tiên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công các Bộ, ngành, địa phương trách nhiệm triển khai Quyết định số 149/QĐ-TTg, trong đó, việc triển khai đồng bộ và toàn diện các nội dung Chiến lược tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hết sức quan trọng để có thể tiến tới đạt được các mục tiêu đã được đề ra của Chiến lược.
Để công tác triển khai Chiến lược đạt mục tiêu đề ra, đại diện Lãnh đạo của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường đã có bài tham luận về các nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các nội dung trọng tâm thực hiện ở địa phương như tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; Đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu kết quả của Sáng kiến Thúc đẩy Cam kết Đa dạng sinh học trong khuôn khổ hợp tác giữa WWF Việt Nam và Bộ TN&MT. Theo đó, một trong những kết quả của Sáng kiến là huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp trong cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy việc triển khai Chiến lược ở các Bộ ngành, địa phương, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các ngành, lĩnh vực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; vấn đề lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực.